chính sách mới

[Các Chính Sách Mới Có Hiệu Lực Vào Tháng 4/2021] Phần 7: Quy Định Việc Khai Báo, Quản Lý & Sử Dụng Cơ Sở Dữ Liệu Môi Trường Ngành Công Thương

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 42/2020/TT-BCT (Thông tư 42) quy định về việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương. Thông tư này thay thế Thông tư 22/2013/TT-BCT (Thông tư 22) và có hiệu lực từ ngày 01/4/2021. Mời bạn cùng TOPA tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau:

Ngày 14 tháng 10 năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BCT quy định việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương. Thông tư được ban hành đã góp phần quan trọng trong việc thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, hỗ trợ công tác xây dựng và đánh giá môi trường chiến lược của các chiến lược, quy hoạch.

Đối với doanh nghiệp, dữ liệu môi trường định kỳ khai báo đã đem lại nhiều lợi ích, như: Sử dụng số liệu để báo cáo các cơ quan chức năng quản lý môi trường địa phương và phần mềm cơ sở dữ liệu có các tính năng so sánh, phân tích, đánh giá về hiệu quả quản lý môi trường của chính doanh nghiệp qua các năm.

Cùng với quá trình phát triển đất nước, hệ thống các văn bản Luật, Nghị định lĩnh vực môi trường đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Điều này dẫn đến cơ sở pháp lý của Thông tư số 22/2013/TT-BCT không còn phù hợp. Do đó, cần thiết điều chỉnh cơ sở pháp lý để đảm bảo hiệu lực pháp lý của Thông tư.

Vì vậy, Thông tư 42 ra đời nhằm khắc phục một số hạn chế, tồn tại của Thông tư 22. Cụ thể, Thông tư 42 đã điều chỉnh đối tượng áp dụng. Hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh ngành Công Thương rất lớn với đa dạng ngành nghề, quy mô. Nếu áp dụng với tất cả các doanh nghiệp sẽ gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Do nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động thương mại có lượng phát thải thấp, thông tin, số liệu không có nhiều ý nghĩa về quản lý môi trường, nhân lực làm công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, sẽ khó hoàn thành đầy đủ yêu cầu. Vì vậy, Thông tư 42 đã thiết lập danh mục các đối tượng phải khai báo dữ liệu môi trường ngành Công Thương một cách phù hợp tại các Phụ lục kèm theo.

Ngoài ra, Thông tư cũng rà soát sửa đổi các quy trình quản lý, đăng ký, khai báo cơ sở dữ liệu để thuận tiện hơn cho các đơn vị trong quá trình thực hiện. Để tăng cường công tác quản lý môi trường ngành Công Thương từ Trung ương đến địa phương, Thông tư 42 cũng bổ sung trách nhiệm của Sở Công Thương trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc khai báo của các doanh nghiệp trên địa bàn các địa phương. Duy trì đường truyền internet, lưu trữ dữ liệu trên máy chủ, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, hoạt động ổn định hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường trên trang thông tin điện tử;

Cấp tài khoản truy cập và phân quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân; Xây dựng, nâng cấp hệ thống, duy trì, vận hành, chia sẻ các dữ liệu trong cơ sở dữ liệu môi trường;

 Đôn đốc, chỉ đạo việc khai báo cơ sở dữ liệu môi trường của các doanh nghiệp;Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá những dữ liệu môi trường do doanh nghiệp khai báo; Báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý cơ sở dữ liệu môi trường; Các hoạt động quản lý khác có liên quan.

Thông tư 42 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2021 và thay thế Thông tư số 22/2013/TT-BCT ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Bộ  Công Thương quy định việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương.

Thông tư 42 bãi bỏ khoản 1 Điều 14 Thông tư số 42/2019/TT-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Công Thương đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Công Thương để sửa đổi, bổ sung Thông tư cho phù hợp.

DANH MỤC ĐỐI TƯỢNG PHẢI KHAI BÁO CƠ SỞ DỮ LIỆU MÔI TRƯỜNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG

(Kèm theo Thông tư số 42/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Bộ Công Thương)

TTNgành, lĩnh vựcQuy mô, công suất theo thiết kế/đăng ký đầu tư
1Nhiệt điệnTất cả
2Thủy điệnTừ 20 MW trở lên
3Khai thác dầu khíTất cả
4Lọc, hóa dầuTất cả
5Sản xuất hóa chất, chất tẩy rửaTừ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên
6Sản xuất phân hóa họcTừ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên
7Sản xuất pin, ắc quyTừ 300.000 KWh/năm trở lên hoặc 600 tấn sản phẩm/năm trở lên
8Sản xuất bột giấyTừ 50.000 tấn sản phẩm/năm trở lên
9Sản xuất giấy có sử dụng giấy phế liệuTừ 50.000 tấn sản phẩm/năm trở lên
10Sản xuất bia, nước giải khátTừ 30.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên
11Sản xuất cồn, rượuTừ 2.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên
12Dệt có nhuộmTừ 100.000.000 m2 vải/năm trở lên
13Thuộc daTừ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên
14Sản xuất sản phẩm từ cao su
Từ 100.000 tấn sản phẩm/năm trở lên
15Sản xuất gang, thép, luyện kimTừ 300.000 tấn sản phẩm/năm trở lên
16Khai thác khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng)Thuộc thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường

>>> Xem thêm: [Các Chính Sách Mới Có Hiệu Lực Vào Tháng 4/2021] Phần 8: Quy Định Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính Về Chăn Nuôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.