Giải quyết vấn đề khoá mã số Thuế doanh nghiệp (P1)

Nhiều người nghe đến cụm từ tư vấn Kế toán – Thuế doanh nghiệp là bị … dị ứng. Vì kêu cảm giác cứ giống nghe tư vấn … bảo hiểm. Rất hay doạ doanh nghiệp và đưa những tình huống bi quan, bị phạt, bị lỗi… ( Mình không có thành kiến gì với nghề bảo hiểm nhé). Tuy nhiên, cái này thì … đúng thật, vì kế toán – thuế là ngành mà kết quả không đến ngay, thậm chí rất lâu. Hơn nữa, đặc thù nghề kế toán cần sự cẩn thận ,chắc chắn, nên phong cách tư vấn thường như vậy. Thôi, hôm nay bài này kể chuyện làm thực tế, thiết thực nhất đó là chuyện đi mở lại mã số thuế doanh nghiệp. Cái này không doạ, mà chia sẻ kinh nghiệm khi chẳng may gặp phải thôi.

KHI ĐẠI LÝ THUẾ NHẬN THÔNG TIN DOANH NGHIỆP BỊ KHOÁ MÃ SỐ THUẾ

Giống như bác sĩ chữa bệnh, lúc Đại lý Thuế nhận được thông tin là lúc … mọi sự đã rồi. Mình thường nhận được liên lạc của chủ doanh nghiệp/ kế toán hỏi cách xử lý khi doanh nghiệp đang bị đóng mã số thuế và … cần mở lại nhanh nhất có thể.

Thông thường, mình thường xuyên nhận được thông tin cần mở mã số thuế khi :

  • Nộp hồ sơ khai thuế Online nhưng không được chấp nhận. Sau đó liên lạc cơ quan Thuế hỏi mới nhận được thông tin
    • Tờ khai thuế Online, báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn
    • Làm thủ tục phát hành hoá đơn
  • Tình cờ có khách hàng/ đối tác kiểm tra được thông tin báo lại cho doanh nghiệp.

Với tình trạng bị động, tâm lý chung của chủ doanh nghiệp sẽ là :

  • Lo lắng ( chắc rồi) ! Thông tin này ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, uy tín với khách hàng. Nếu còn có việc gấp cần xử lý với Khách hàng nữa ( Ký hợp đồng, xuất hoá đơn….) thì lại càng rối
  • Ái ngại khi bị loạn trong “thủ tục hành chính”. Cái này là đáng nói nhất, hầu hết chúng ta đều ngại làm thủ tục hành chính với Nhà nước. Vừa nhiều hướng dẫn, luật lệ, mất thời gian… Dù hiện tại đã cải cách rất nhiều nhưng vẫn là nỗi sợ.

Nói chung, lý do chính mà doanh nghiệp phải đi tìm dịch vụ thuế hỗ trợ chính là giao tiếp với cán bộ Thuế. Chẳng may gặp anh chị nào khó tính, đã không hiểu ý lại còn bị mắng, doạ phạt doạ đủ thứ, mệt hết người !

Mất tiền, mất thời gian như thế thì thuê thằng nào nó biết nó làm cho nhanh, tốn tí phí cũng được !

Ông nào đến đoạn đó mà chẳng nghĩ thế !

Với mình, khi nhận được điện thoại lên mà nhắc đến cụm từ “mở mã số thuế” là biết phải xử lý và chuẩn bị rất nhiều thứ cho doanh nghiệp rồi !

À, mà tiện đây các bạn tự kiểm tra thông tin doanh nghiệp của mình nhé. Dễ lắm, giờ trên mạng có hết:

  • Truy cập http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp
  • Điền các thông tin doanh nghiệp và kiểm tra nhé,

Nếu nội dung Ghi chú là

  • NNT không hoạt động tại địa chỉ đăng ký
  • NNT tạm ngừng hoạt động nhưng chưa làm thủ tục đóng MST

Hãy liên lạc ngay cơ quan Thuế nhé !

Theo dõi tiếp để mình kể lại những câu chuyện đi mở mã số thuế nhé !

LÝ DO DOANH NGHIỆP BỊ KHOÁ MÃ SỐ THUẾ

Trước khi đi vào giải quyết bất cứ vấn đề gì, thì mình phải hiểu là tại sao đã. Tại sao mã số thuế mình bị đóng ? Có mấy lý do rất cơ bản thôi.

Đầu tiên, là các bạn phải hiểu về cơ quan Thuế. Sau khi thành lập doanh nghiệp thì những bộ phận nào của cơ quan Thuế sẽ liên quan đến doanh nghiệp chúng ta ?

CÁC BỘ PHẬN QUẢN LÝ CỦA CƠ QUAN THUẾ

  • Cơ quan Thuế quản lý doanh nghiệp thì họ có nhiều đội. Nhưng gắn với doanh nghiệp nhất chủ yếu là Đội Kê Khai Thuế và Đội Kiểm tra Thuế. Ngoài ra có thể liên quan đến bộ phận một cửa.
  • Bộ phận một cửa sẽ nhận các tờ khai, thông báo, công văn của doanh nghiệp. Chủ yếu phản hồi, đưa hướng dẫn, thông tin..
  • Đội Kê khai Thuế thì phụ trách nhận các tờ khai thuế của doanh nghiệp. Đội này có trách nhiệm thông báo, đốc thúc kê khai. Và ra các thông báo phạt nếu chậm, muộn nộp tờ khai.
  • Đội kiểm tra Thuế thì phụ trách kiểm tra trực tiếp doanh nghiệp. Lưu ý : Không phải chỉ khi có quyết định thanh kiểm tra thì đội kiểm tra Thuế mới đi kiểm tra doanh nghiệp. Các tình huống đội kiểm tra Thuế tiến hành kiểm tra trực tiếp là khi:
    • Sau khi thành lập doanh nghiệp, hoặc khi phát hành hoá đơn. đội kiểm tra Thuế có thể kiểm tra hoạt động thực tế của doanh nghiệp tại địa chỉ đăng ký. Ở các thành phố lớn thì cái này đỏ – đen, do một cán bộ thuế phụ trách rất nhiều doanh nghiệp, vì vậy có khả năng những doanh nghiệp rủi ro thấp sẽ may mắn được bỏ qua. Còn ở các tỉnh thành thì cứ xác định là chắc chắn sẽ có việc “hỏi thăm” này.
    • Nếu doanh nghiệp không tiến hành kê khai thuế hoặc chậm, muộn, đội kê khai thuế nhắc nhở nhưng không thấy phản hồi. Thông thường, nếu thời gian chậm, muộn kê khai trên 90 ngày thì lúc đó đội kiểm tra Thuế sẽ vào cuộc.
    • Nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế, hoặc có rủi ro cao về thuế, hoá đơn… Thì chắc chắn việc này khó tránh rồi. Tuy nhiên mình sẽ không nhắc đến đối tượng này vì đây là đối tượng thừa biết vấn đề, chứ không ngơ ngác như những doanh nghiệp liên lạc đến xin mở mã số thuế gấp,
    • Việc cán bộ Thuế kiểm tra trực tiếp doanh nghiệp chính là mấu chốt của việc doanh nghiệp bị “khoá mã số thuế”

Rồi, đó là biết cơ cấu, cách làm việc của cơ quan Thuế. Thế còn “Tại sao doanh nghiệp bị khoá mã số thuế mà không biết gì ?”

TẠI SAO DOANH NGHIỆP BỊ KHOÁ MÃ SỐ THUẾ ?

Câu trả lời thực ra rất đơn giản. Hãy tưởng tượng, khi đến địa chỉ kinh doanh trực tiếp thì đây là thứ cán bộ kiểm tra Thuế thấy :

  • Số điện thoại sai, hoặc không nghe máy để liên lạc trước và gửi thông báo ?? Gửi email thì không có phản hồi ? Tệ hơn là không có cả số điện thoại, email gì hết.
  • Không thấy biển bảng tên doanh nghiệp trên địa chỉ đâu ??
  • Nếu may mắn có người ở nhà thì cũng không biết gì về tình hình doanh nghiệp ??

Thông tin như vậy chắc doanh nghiệp này là doanh nghiệp không hoạt động rồi. Không khoá mã số thuế thì để lại thành rủi ro cho việc quản lý nhà nước. Vì vậy, cán bộ kiểm tra sẽ về xin quyết định khoá mã số thuế. Và thông báo đến doanh nghiệp qua đường … chuyển phát. Vậy là một ngày đẹp trời, doanh nghiệp bị khoá mã số thuế mà … không rõ nguyên nhân tại sao !

Không phải tự nhiên đâu. Chẳng qua chủ doanh nghiệp đã “sơ ý” mắc phải những lỗi cơ bản khi thành lập doanh nghiệp hoặc sử dụng con người.

  • Thông tin ban đầu cán bộ thuế có để liên lạc chính là thông tin trên hồ sơ đăng ký kinh doanh của bạn đó. Về xem lại đăng ký kinh doanh sẽ thấy. Nên nếu bạn thuê dịch vụ thành lập doanh nghiệp cần chú ý. Họ không điền thông tin, hoặc ghi sai số điện thoại, email, máy bàn…. khiến cho việc gọi điện cho chủ doanh nghiệp là bất khả thi. Tuy nhiên cũng có khi số đúng, chủ doanh nghiệp bị tra tấn bởi hàng trăm nghìn cuộc gọi Telesale nên ….bỏ qua.
  • Địa chỉ đăng ký kinh doanh là đi mượn tạm, hoặc là đất của mình nhưng chưa xây dựng gì. Hoặc đơn giản không ai tư vấn cho nên không treo biển tên doanh nghiệp lên địa chỉ.
  • Nếu doanh nghiệp có nhân sự phụ trách mảng thuế, thì họ là đầu mối liên lạc duy nhất với cơ quan Thuế. Sau đó họ nghỉ không làm cho doanh nghiệp nữa thì khả năng bị liên lạc kiểm tra nhưng không được là rất cao đó ! Đổi nhân sự thì phải nhận lại thông tin nhé . Xem cách nhận hồ sơ khi kế toán thuế nghỉ việc tại đây.

Chủ yếu là do “không biết” phải không? Nhưng mà với nhà nước, “không biết” vẫn có lỗi như thường ! Đọc bài này rồi thì đừng mắc lại nhé.

Còn dịch vụ cho doanh nghiệp của công ty mình thì làm từ A-Z rồi. Vừa tư vấn thành lập, vừa để thông tin số điện thoại và email đầy đủ. Lại làm khai thuế cho doanh nghiệp suốt quá trình hoạt động. Chả thấy ông nào bị khoá bất thường cả !

Xem thêm phần 2 về cách mở mã số thuế và bài học kinh nghiệm nhé !

>> Xem về Dịch vụ thuế công ty mình