Chi tiết về mức lương tối thiểu vùng và những điều DN phải làm khi tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022.

Sau khi nghị định Nghị định 38/2022/NĐ-CP về tăng mức lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ ngày 01/07/2022 thì nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động không biết việc này có ảnh hưởng gì đến mình không. Bài viết này Topa sẽ giải thích chi tiết về mức lương tối thiểu vùng là gì, và những điều mà doanh nghiệp phải làm khi mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh.

Mức lương tối thiểu theo vùng là gì ?

Quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP ghi rõ:

Mức lương tối thiểu vùng (LTTV) là mức tiền lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận, phải bảo đảm:

  1. Không thấp hơn mức LTTV đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
  2. Cao hơn ít nhất 7% so với mức LTTV đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Ảnh hưởng của thay đổi mức lương tối thiểu vùng

Mức LTTV năm 2022 là căn cứ quan trọng trong việc xác định mức lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và nhiều chế độ khác.

Mức lương tối thiểu vùng là căn cứ trả lương cho người lao động

Mức LTTV 2022 là mức thấp nhất làm cơ sở để người sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận và trả lương. Theo đó, mức lương trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

  • Không thấp hơn LTTV đối với NLĐ làm công việc giản đơn nhất;
  • Cao hơn ít nhất 7% so với mức LTTV đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.

Lương tối thiểu vùng là lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu 

Căn cứ theo quy định tại Điểm 2.6, Khoản 2, Điều 6, Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì mức tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu quy định như sau:

  • Với NLĐ làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
  • Với NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% so với mức LTTV.
  • Với NLĐ làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
  • Với NLĐ làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Tiền lương tối thiểu vùng là cơ sở để trả lương ngừng việc

Lương tối thiểu vùng năm 2022 là cơ sở để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho NLĐ theo quy định tại Điều 99, Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể:

Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

– Nếu do lỗi của NLĐ thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

– Nếu vì lý do bất khả kháng như: thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

  • Nếu ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc không thấp hơn mức lương tối thiểu;
  • Nếu phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Lưu ý: Lý do bất khả kháng có thể là sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế.

Cơ sở tính thiệt hại mà NLĐ phải bồi thường cho người sử dụng lao động

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 129, Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ mức lương cơ sở dùng làm cơ sở tính thiệt hại mà NLĐ phải bồi thường. NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3, Điều 102 của Bộ luật này.

Căn cứ xác định lương tối thiểu khi chuyển NLĐ làm công việc khác với hợp đồng lao động

Tại Khoản 3, Điều 29, Bộ luật Lao động 2019 quy định NLĐ chuyển sang làm công việc khác công việc ghi trên hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới và đảm bảo:

  • Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. 
  • Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Mức lương tối thiểu vùng mới nhất năm 2022.

Từ ngày 01/7/2022, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh bởi Nghị định 38/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Sau đây là 04 điểm mới đáng chú ý về lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022.

Mức lương tối thiểu mới theo tháng

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng theo tháng từ 01/7/2022 như sau;

  • Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng. (Hiện nay là 4.420.000 đồng/tháng)
  • Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng. (Hiện nay là 3.920.000 đồng/tháng)
  • Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng. (Hiện nay là 3.430.000 đồng/tháng)
  • Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng. (Hiện nay là 3.070.000 đồng/tháng)

Xem thêm: Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng 2022 áp dụng từ 01/7/2022

Chính thức có lương tối thiểu vùng theo giờ

Tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 có quy định: “Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ”.

Tuy nhiên, tại các Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trước đây không quy định về mức lương tối thiểu vùng theo giờ.

Đến Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì đã quy định về mức lương tối thiểu vùng theo giờ từ 01/7/2022, cụ thể:

  • Vùng I: 22.500 đồng/giờ;
  • Vùng II: 20.000 đồng/giờ;
  • Vùng III: 17.500 đồng/giờ;
  • Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.

Thay đổi địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng

Danh mục địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, trong đó có thay đổi về địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng, đơn cử như sau:

  • Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh thuộc vùng I (Hiện nay thuộc vùng II);
  • Thành phố Vinh, thị xã Cửa lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An thuộc vùng II (Hiện nay thuộc vùng III);
  • Thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu thuộc vùng II (Hiện nay thuộc vùng III);
  • Các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh thuộc vùng III (Hiện nay thuộc vùng IV).

Ý nghĩa của mức lương tối thiểu

  • Việc quy định mức lương tối thiểu là để đảm bảo người lao động có một mức sống tối thiểu của họ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đúng như tinh thần của chính phủ là không để ai bị bỏ lại phía sau.
  • Việc phân chia lương tối thiểu theo vùng là để đảm bảo tính phù hợp của nó đối với tình hình phát triển ở mỗi vùng địa bàn trên cả lướng. Phù hợp với mức có thể chi trả của người sử dụng lao động.

Đối với người lao động

  • Việc tăng lương sau 2 năm đại dịch giúp người lao động mau chóng ổn định lại sau 2 năm thu nhập bị ảnh hưởng.
  • Việc tăng lương còn giúp tăng niềm tin của người lao động vào sự phát triển, tạo cơ hội cho người lao động gắn bó với DN.

Đối với doanh nghiệp việc tăng lương sẽ làm tăng năng suất làm việc của người lao động là động lực giúp cho DN phục hồi nhanh, phát triển mạnh sau đại dịch

Những việc mà doanh nghiệp phải làm khi nghị định có hiệu lực.

Như đã phân tích ở trên mức lương tối thiểu vùng là cơ sở để trả lương cho người lao động, là mức lương tối thiểu để đóng bảo hiểm xã hội nên Kể từ ngày 1/7/2022 khi nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực doanh nghiệp người sử dụng lao động phải điều chỉnh lương theo mức lương tối thiểu vùng.

Doanh nghiệp phải xem xét tăng lương cho người lao động nếu người lao động đang được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu mới.

Nếu người lao động đang hưởng mức lương cao hơn mức lương tối thiểu mới thì doanh nghiệp chủ sử dụng lao động xem xét tăng lương hoặc không tăng lương cho người lao động.

Doanh nghiệp cần điều chỉnh hồ sơ BHXH theo mức lương mới.

Nếu doanh nghiệp không điều chỉnh sẽ bị phạt từ 5.000.000 VNĐ – 10.000.000 VNĐ do vi phạm hành chính (Khoản 4 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

>> Mẫu File Excel thang lương, bảng lương áp dụng từ ngày 01/7/2022

Bị truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng BHXH tính trên số tiền, thời gian chậm đóng (Khoản 1 Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH)

Trên đây là một số thông tin lưu ý về nghị định 38/2022/NĐ-CP với những thông tin này Giải pháp kế toán Topa mong rằng sẽ giúp ích trong quá trình hoạt động của mình. Có bất kỳ thắc mắc gì đừng ngại liên hệ với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc nhanh nhất. 

>> Zalo Ms. Hiền kế toán.

>> Tìm hiểu ngay giải pháp xử lý hồ sơ Thuế TOPA cho doanh nghiệp